Nghiên cứu mới từ VDI Gesellschaft Fahrzeug, một hiệp hội kỹ thuật của Đức, đã thực hiện một phân tích chi tiết về vòng đời sản phẩm của ô tô điện so với xe chạy xăng hoặc dầu, với những phát hiện đáng chú ý. Mặc dù quá trình sản xuất pin của ô tô điện mang theo một lượng khí thải CO2 đáng kể, nghiên cứu chỉ ra rằng, khi xem xét toàn bộ vòng đời sản phẩm, tính đến khoảng 200.000km, ô tô điện trở nên “sạch” hơn so với xe sử dụng nhiên liệu truyền thống.
Mặc dù quá trình sản xuất pin vẫn gây ra môi trường ô nhiễm, nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng ô tô điện cần phải chạy ít nhất 90.000km để bù đắp lượng khí thải mà nó tạo ra trong quá trình sản xuất. Sau mốc 200.000km, một chiếc ô tô điện sẽ tạo ra trung bình 24,2 tấn khí thải CO2, trong khi xe động cơ diesel sẽ là 33 tấn, cao hơn 36%.
VDI đưa ra một số đề xuất để giảm lượng khí thải tổng thể từ ngành giao thông. Trong đó, tăng cường mạng lưới điện “xanh” được nhấn mạnh, cùng với yêu cầu sản xuất pin xe điện thân thiện với môi trường và nên được thực hiện tại địa phương hơn, thay vì tập trung ở châu Á như hiện nay. Đồng thời, quan tâm đặc biệt đến vấn đề tái chế pin và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là những yếu tố quan trọng khác để ô tô điện thực sự trở nên thân thiện với môi trường.
Phân tích của VDI cũng chỉ ra mức độ thân thiện với môi trường khá cao của xe hybrid, đặc biệt là xe hybrid cắm sạc (PHEV), có lượng khí thải CO2 chỉ cao hơn 0,6 tấn so với một chiếc xe điện thuần túy. Mặc dù ô tô điện có xu hướng trở nên thân thiện với môi trường hơn, nhưng còn nhiều khía cạnh cần được cải thiện, bao gồm vấn đề nguồn nguyên liệu điện sản xuất từ các nguồn năng lượng hóa thạch và quy trình tái chế pin.